Thứ Sáu, 8 tháng 7, 2016

Tản mạn chuyện tên Rừng ngày xưa

Gấu Tận Tuỵ.


Cám ơn hai trưởng Nguyễn Thái Hùng và Thái Thuần, Gấu Tận Tụy đã có cơ hội đọc được các bài báo “Chef” (Organe Officiel des Chef de la Fédération Indochinoise de Scoutisme), và “Hướng Đạo Thẳng Tiến” (1) qua các số báo từ năm 1936 đến 1940. Nhờ đó mà Gấu có một số dữ kiện quan trọng trong quá trình tìm kiếm tư liệu cho dịp kỷ niệm 85 năm phong trào Hướng đạo Việt Nam.


Có một số bài viết vẫn còn có giá trị, tuy hành văn thời bấy giờ rất ư là bình dân, thậm chí sai chính tả lẫn văn phạm! Tuy nhiên, thông điệp vẫn gởi đến người đọc một cách thông mạch và quán suốt một cách dễ dàng.

Dạo quanh nhiều số báo, Gấu nhận thấy có nhiều tên Rừng nghe rất hay hay! Khác với thời Đông Dương, ngày nay tên Rừng có vẻ văn hoa chải chuốt hơn, bộc lộ cá tính hơn, và phong phú hơn nhưng vẫn giữ nguyên tập tục và truyền thống Hướng đạo Việt Nam ngày xưa.


Tên Rừng vẫn còn là một bí ẩn?


Nếu chỉ truy tìm tên tác giả các bài viết trong các số báo thì cũng hơi vất vả vì một số Trưởng, dân Rừng chỉ ghi vỏn vẹn có tên Rừng mà thôi, rất ít ghi rõ họ và tên thật bên cạnh tên Rừng của mình. Ngoại trừ một số tên Rừng quen thuộc, có tiếng, cộng tác thường xuyên với báo chí, hoặc sinh hoạt sôi nổi trong phong trào, trong đơn vị thì chỉ có trong nội bộ mới biết được.

Tuy vậy, cho đến ngày nay cũng còn rất nhiều tên Rừng mà nhiều người trong chúng ta không biết, hoặc chưa biết? Vậy, họ là ai?


Dưới đây là một số tên Rừng vẫn còn bí ẩn, chưa biết rõ họ là ai?:

Sói Trắng, Cọp Đen, Hươu Đa Mưu, Cò Bền Chí, Yến Lẻ Loi (Thái BÌnh), Cáo Già, Bò Tót, Voi Vía, Công Bạc Liêu, Bồ Câu Tọc Mạch, Diệc Tư Lự, Yến Vui Vẻ (Cần Thơ), Diều Hâu (Đoàn Lảng Bạc, Hải Phòng), Hổ Cô Độc (Bà Rịa), Marsocin Voyageur, Yến Lạc Quan, Trâu Bền (Sài Gòn), Cò Ngà (Long Xuyên), Sư Tử Hoạt Động (Long Xuyên), Voi Nhớ Rừng (Long Xuyên), Trâu Béo (Long Xuyên), Nai Chán Đời (Long Xuyên), Sói Mơ Mộng, Trâu Đen Mỹ Tho, Bò Rừng Lạc Quan (Mỹ Tho), Yến Sâu Sắc (Hà Tiên), Gà Tồ Cẩn Thận (Thủ Đức), Lợn Rừng Già, Trâu Rừng Langbian, Hạc Kiên Nhẫn (Rạch Giá), Cò Siêng Năng (Rạch Giá), Voi Khiêm Tốn (Quảng Bình)???...và còn nhiều nữa….!


Song song đó, Gấu Tận Tụy còn tìm thấy được danh sách, họ và tên của một số Trưởng tiền bối, Trưởng lão như:


Vương Trọng Tôn (Bà Rịa), Huỳnh Công Kiên (Sài Gòn), Nguyễn Văn Đoàn (Sài Gòn), Lê Văn Xuân (Sài Gòn), Trần Kim Chi (Mỹ Tho), Trần Văn Thanh (Rạch Giá), Trần Biep Hưng (Bạc Liêu), Trương Hoa Thành (Hà Tiên), Nguyễn Văn Quanh (Cần Thơ), Phan Thông Khỏe (Cần Thơ), Mai Lan Quê (Cần Thơ), Nguyễn Văn Định (Cần Thơ), Trần Chí Lâu (Bạc Liêu), Ngô Văn Giao (Hải Phòng)…mà tên Rừng của họ có thể là trong số đó?


Còn như nếu chúng ta tự đặt câu hỏi, tên Rừng đã có từ lúc nào trong phong trào Hướng đạo Việt Nam chúng ta? Có người nói có lẽ là từ ngày xửa ngày xưa, khoảng năm 1930? hoặc từ thời Pháp thuộc? từ thời Hướng đạo Đông Dương?


Nhưng rất tiếc là chúng ta không có một cái mốc chính xác nào trong một thời điểm nhất định của phong trào? Những năm đầu 1930 khi mới thành lập, hai trưởng sáng lập Trần Văn Khắc và Hoàng Đạo Thúy chưa có sinh hoạt chung với nhau, chưa có một tên Rừng nào được gọi nhau cả? Riêng trưởng Hoàng Đạo Thúy thì có một số tác phẩm, tựa sách và bài viết đều mang bút hiệu là Ba Tô (không có liên hệ gì đến tên Rừng cả!)


Kể từ khi các hội Hướng đạo của 3 kỳ được thành lập kể từ năm 1932 trở đi, các trưởng Hướng đạo Pháp sang Đông Dương, trong đó có trưởng André Lefèvre sang để mở các lớp huấn luyện cho các trưởng Hướng đạo Đông Dương, và tham dự trại họp bạn Rừng Sặt ở Bắc Ninh (do trưởng Hoàng Đạo Thúy làm trại trưởng). Rồi kế đó 3 miền Nam-Trung-Bắc gặp gỡ nhau tại trại Họp bạn Huynh Đệ (2) được tổ chức tại sân vận động Mayer Sài Gòn cho đến trại huấn luyện Trưởng (3) đầu tiên tại Đà lạt năm 1936, cũng như ở chân núi Ngự Bình (Huế) trưởng Raymond Schlemmer đã đứng ra làm chủ lễ Lên Đường cho trưởng Võ Thanh Minh (nguyên Tổng ủy viên Hội Hướng đạo Trung kỳ)… người ta bắt đầu nghe nói đến tên Rừng: Vieux Castor (Lão Hải Ly, tên Rừng của trưởng André Lefèvre), Cygne de la Croix du Sud (Thiên Nga Nam Tào-Raymond Schlemmer), Héron (Sếu Sắc Sảo-Raoul Serène), ), Isard (Dê Sa Mạc-Emmanuel Niedrist), Vieux Sanglier (Lợn Rừng Già-Auguste Bernard), Le Marabout (André Consigny)…và rồi thì Tigre Édenté (Hổ Sứt-Hoàng Đạo Thúy), Yama (Hồng Sơn Dã Mã-Võ Thanh Minh), Sếu Vườn (Trần Văn Khắc), Fennec (Chồn-Tạ Quang Bửu), Cerf Blanc du Ba be (Hươu Tắng Hồ Ba Bể-Ngô Thế Tân), Loup Préveur (Sói Mơ Mộng-Linh mục Georges Lefas), Pingouin (Vịt Bể-Cung Giũ Nguyên)..v..v..


Song song đó, tên Rừng của các Trưởng bắt đầu xuất hiện nhiều trên các tờ báo “Chef” của Liên hội Hướng đạo Đông Dương và tờ “Hướng Đạo” của Tổng cuộc Hướng đạo Nam kỳ…


Thế nhưng, nếu họ có tên Rừng như vậy thì Chúa Sơn Lâm của họ là ai? Các trưởng Hướng đạo Pháp ư?


Riêng Tr. Trần Văn Khắc thì không rõ là tên Rừng Sếu Siêng Năng đã có từ lúc nào? Nhưng chắc chắn ở những năm đầu 1935 thì anh em Hướng đạo thường hay gọi trưởng là Sếu Vườn, hoặc Sếu Vườn Đồng Nai. Tuy nhiên, trong sách báo thời bấy giờ cũng ít khi thấy bài vở của Tr. Trần Văn Khắc viết, nên chưa xác định được tên Rừng bằng Pháp ngữ của trưởng ấy! Theo tờ “Chef” của Liên hội Hướng đạo Đông Dương thì André Consigny (sau khi thành lập Liên hội thì André được cử làm Tổng Ủy viên cùng với trưởng Trần Văn Khắc) thường ký tên Rừng là “Le Marabout” nhưng đôi khi lại thấy có bài viết của “Marabout Sourient”? chẳng lẽ tên Rừng đó là của Tr. Trần Văn Khắc? (4)


Tên Rừng như là một bút hiệu


Vâng, có nhiều người trong chúng ta sử dụng tên Rừng như là một bút hiệu! Điều này cũng làm cho nhiều người “tò mò” hoặc bó tay không biết họ là ai, Trưởng nào, Tráng sinh nào, dân Rừng nào? Với cái tên nghe cũng rất kiêu như: Sóc Vui Vẻ, Hươu Nhiệt Tình, Cáo Lãng Tử, Quạ Trầm Ngâm, Báo Đa Đa, Công Hay Diễu, Bồ Câu Mơ Mộng..v..v.. Nhưng tất cả đều là những dân Rừng quen thuộc, rất thân thiện ở trong đơn vị chúng ta, hoặc ở trong các đơn vị bạn!


Chúng ta có thể bắt gặp được những tên Rừng đó thường xuyên trên báo chí, bản tin trại, thông báo, kỷ yếu, hoặc những đặc san của Hướng đạo. Và có thể ngay cả trong các buổi sinh hoạt, các trại họp bạn, hội ngộ dân Rừng, Hội đồng Rừng … mà chúng ta cũng có thể nghe nói đến!

………..


Như chúng ta đã biết, không phải có tên Rừng có nghĩa là người đó đã có Bằng Rừng, hoặc ngược lại. Tên Rừng là một tập tục đã có từ những bộ lạc ở châu Mỹ mà Huân tước Baden-Powell đã dựa vào đó để làm thành một trò chơi có tính cách giáo dục cho phong trào Hướng đạo. Hiện nay, rất ít quốc gia trên thế giới còn duy trì trò chơi này như phong trào Hướng đạo Việt Nam chúng ta. Và vì thế, trò chơi này vẫn tiếp diễn, tên Rừng vẫn còn là một hứng thú để săn, để tìm hiểu, để có, và để hãnh diện được đứng bên cạnh họ và tên cúng cơm của mình!


Gấu Tận Tụy

Mùa thu lá rơi năm Hai Không Mười Lăm


……………………………………………


(1) Đầu tiên mang tên “Hướng Đạo”, là Nguyệt báo, Cơ quan chánh thức của Tổng cuộc Hướng đạo Nam kỳ. Đến đầu năm 1937 thì hợp nhất với tờ “Thẳng Tiến” của Tr. Hoàng Đạo Thúy, sau đó mang tên chung là “Hướng Đạo Thẳng Tiến”.

(2) Trong sổ lưu bút trại họp bạn Huynh Đệ (Camp de Fraternité) có ghi lại một số trưởng mang tên Rừng, tìm đọc trong “Kỷ yếu Hướng Đạo Việt Nam 1930-1945” của Phạm Văn Nhơn sưu tầm và biên soạn, nhà xuất bản Văn Nghệ TP. HCM 2009. Hoặc “Hướng Đạo” số 13 năm thứ 2, 1936 của Tổng cuộc Hướng đạo Nam kỳ phát hành.

(3) Tìm đọc trong các tờ “Hướng Đạo” của Tổng cuộc Hướng đạo Nam Kỳ: Số 18 (tháng 6, 1936) và 19 (tháng 7 nắm 1936). Sách “Kỷ yếu Hướng Đạo Việt Nam 1930-1945” của Phạm Văn Nhơn sưu tầm và biên soạn, nhà xuất bản Văn Nghệ TP. HCM 2009, từ trang 128 đến 185.

(4) Thời Hướng đạo Đông Dương có 2 Tổng ủy viên (Commissaires Généraux) , một người Pháp và một người bản xứ. Tên Rừng “Marabout Sourient” có xuất hiện trên tờ “Chef” số 30, tháng 3 năm 1940, trang 15, 16 và 18. Nhưng Adré Consigny thường dùng chỉ đơn độc là “Le Marabout” hơn, mà “Marabout Souriant” cũng là một Tổng ủy viên! Như vậy có 2 Marabout làm TUV cho Hướng đạo Đông Dương cùng có tên Rừng là Sếu (Cò)? Nên nhớ, TUV người bản xứ trong thời gian này chính là trưởng Trần Văn Khắc, có tên Rừng là Sếu Vườn, là một TUV bên cạnh trưởng André Consigny. Xem danh sách chi tiết của Association Cochinchinoise de Scoutisme nơi trang 9 của tờ “Chef” số 34, tháng 7 năm 1940.




















ThíchHiển thị thêm cảm xúc

Chia sẻ ngay với bạn bè bài viết này
Facebook Pinterest StumbleUpon Delicious Reddit Digg Email Delicious

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Loading