Liên lạc: Trưởng Bùi Năng Giải (Rùa Vô
Tư) viết bài “Tên Rừng” để làm quà ra mắt Liên Lạc. Liên Lạc xin cảm ơn Tr. Rùa
Vô Tư đã “ Thân ái gửi dân rừng B. Đ.” Và Liên Lạc xin phép Trưởng Bùi Năng Giải
được gửi tặng luôn các Trưởng HĐVN “đã nếm” thử thách khi được có tên Rừng.
I- NGUỒN GỐC : Khi còn sinh thời, B.P. đa du lịch
và khảo sát địa phương các sắc dân Da Dỏ ở Mỹ-Châu, (có 4 sắc dân Da Dỏ chính :
Sioux, Cheyennes, Dakola và Apaches ) tập tục của sắc dân này : nếu một thanh
niên chưa được bộ lạc đặt cho một "tên Rừng" thì vẫn chẳng ai coi ra
gì, nhất là các thiếu nữ càng xem thường và không bao giờ chịu lấy một người tầm
thường không có cả một cái "tên Rừng" làm chồng.
"Tên Rừng"
là gì ? Là tên một con thú hay một loài cầm ( chim ); thí dụ : Trâu đen, Ớ xám,
Gấu nâu v.v...
Muốn được đặt
"tên Rừng", người thanh niên Da Đỏ đã phải chứng tỏ thường xuyên với
bộ lạc là khôn ngoan, can đảm. khéo léo và tự lập. Khi các chức sắc nhận thấy
người thanh niên có điều kiện, liền tổ chức một nghi lễ đặt "tên Rừng"
cho đương sự trong một đêm lửa trại.
Dĩ nhiên, người
thanh niên được đặt "tên Rừng" phải qua một thử thách rất cam go,
rùng rợn, chẳng hạn đối với sắc dân Sioux thì đặt thí sinh vào một tấm ván dựng
xa chừng 15 bước, rồi mỗi vị chức sắc đàn anh, phóng những cây búa vào xung
quanh người thí sinh, trước sự chứng kiến của bộ lạc. Thí sinh không được chớp
mắt và nhất là không được bỏ chạy.
Đối với sắc
dân Gheyennes thì thí sinh sau khi phải qua một vài thử thách gan dạ, mới được
phép đi lấy một lông chim đại bàng để dắt trên đầu. Thí sinh phải vũ theo nhịp
trống mà tiến tới chỗ cắm lông chim đại bàng (không được phép chạy) trên con đường
đa được đốt cháy và trải đầy than hồng; khi đoạn đường đã đủ nóng bỏng, hốt
than hồng đi, và lúc đó người trai Cheyennes mới nhịp nhàng vũ theo nhịp trống
trên con đường nóng bỏng dài đến 30 mét để lấy cho được lông chim và mang về
trao cho vị tù trưởng dắt lên dầu phía sau ót, giữa sự hoan hô nhiệt liệt của bộ
lạc.
II. TÊN RỪNG TRONG PHONG TRÀO HƯỚNG ĐẠO : B.P. nhận thấy cái hay và thích thú
của các sắc thái dân da đỏ trong nghi lễ đặt tên Rừng. Cụ bèn áp dụng cho Hướng
đạo, nhưng không phải Cụ "cóp" hết những điều người da đỏ đã làm, mà
Cụ chỉ đặt nó là một "Trò Chơi" thích thú cho Hướng đạo có tính cách
giáo dục và kỷ niệm . . . Một tên rừng chọn đúng có thể giúp rất nhiều vào việc
đào luyện đức hạnh cho người hướng đạo.
Theo Pélican
Noir trong quyển "Nghề Đội-Trưởng" thì nên xem tánh khí và bộ dạng của
người H.Đ. để chọn con vật đặt tên, chữ đệm chỉ một đức tính cần có. Ví dụ Hươu
Đỉnh Cao, hươu vì tánh hiền lành, và "đỉnh cao" vì cái lý tưởng,
không muốn sống một đời sống thấp hèn, nhất là đời sống tôn giáo. Một ví dụ
khác : Thỏ Vui Cười, thỏ biểu hiệu sự nhanh nhẹn, vui cười nói lên tâm hồn lạc
quan quảng đại, chỉ hy sinh, sự tận tâm. Cười trong khó khăn, cười để thúc đẩy
lôi kéo kẻ khác hay gây tin tưởng cho họ khi cần.
Một tên rừng
như "Sư Tử Bạch", sư tử vì mạnh, nói tiếng to; Bạch vì muốn trong trắng
như điều luật thứ 10 đã dặn.
III. TÊN RỪNG TRONG HƯỚNG ĐẠO VIỆT NAM: Hướng-đạo Việt Nam không đặt tên rừng
cho thiếu sinh mà cho tráng sinh kể cả những Trưởng nữ.
Người muốn có
tên rừng phải xin với Trưởng có trách nhiệm. Ví dụ một Tráng sinh muốn có tên Rừng
thì nói với anh Toán trưởng để anh nầy đề nghị lên anh Tráng trưởng. Một Chị ở
trong một đơn vị nào đó thì do đơn vị Trưởng đề nghị. Hội đồng Rừng họp và cứu
xét. Dĩ nhiên, không phải tập họp toàn dân Rừng của toàn Đạo, Liên đoàn, Tráng
đoàn ... mà chỉ họp dân Rừng có mặt hôm đó, dịp đó . ..
Thường đặt
tên Rừng trong đêm lửa trại. Sau lửa tàn dân Rừng quây quần xung quanh
"Chúa Sơn Lâm" ( Đơn vị trưởng hoặc Trưởng Cao Niên . . .) rồi cho đi
mời “thí sinh" , dĩ nhiên người này không biết trước, một cách "trịnh
trọng, lịch sự". . . Đương sự được dẫn đến trước Chúa Sơn Lâm và những thử
thách có tính cách 'bí ẩn" bắt đầu, dĩ nhiên là hồi hộp, hấp dẫn và có kỷ
niệm lý thú..
Hội đồng Rừng
quan sát bộ dạng của "thí sinh" và căn cứ tính tình trong đời sống
hàng ngày của "thí sinh" mà đặt cho một tên con thú, con chim với một
đức tính mà "thí sinh" có sẵn để phát triển thêm, ví dụ Gấu Tận Tâm,
hoặc một đức tính trái ngược với tính tình của "thí sinh” như Cò Bình tĩnh
để nhắc cho đương sự bớt nóng tính v.v....
IV. NHỮNG ĐIỀU NÊN TRÁNH : Phải tránh những tên Rừng kỳ khôi,
những tĩnh từ nói lên tính cách ngang tàng như Giang Hồ, Lãng tử, Phiêu Lưu
hoặc nêu lên tật xấu như càu nhàu, láu, lém . . .
Về hình thức
thử thách cũng phải tránh những trò chơi lố bịch, quá trớn, biến tập tục thành một
nghi lễ và sau đó dân rừng mới liền được tĩnh dưỡng ở bệnh viện. Nhất là đối với
các chị, dân Rừng phải tế nhị, lịch thiệp, nên để dân Rừng Nữ thử thách.
Trong lịch sử
đặt tên Rừng đã xẩy ra những nghi lễ quái đản, chẳng hạn có một huynh trưởng
người Anh, đã áp dụng trong đơn vị của mình đúng như người Da Đỏ, nghĩa là khi
đặt tên Rừng, anh ta đã tổ chức các cuộc thử thách thực sự và tạo nên những
nghi lễ quái đản, kỳ bí và thu hút một số đông các thanh thiếu niên hiếu kỳ chuộng
lạ, anh ta biến H.Đ. thành một ma giáo. Nghi lễ đặt tên Rừng làm căn bản. B.P.
đã phải thẳng tay giải tán và giải thích rõ hơn ý nghĩa của việc lấy tên Rừng
và đặt tên Rừng.
Ở Việt Nam
cũng đã xảy ra một vài trường hợp đặt tên Rừng nặng hình thức, có những hành động
không được nhã nhặn . . . Một điều cần ghi nhớ : Đặt tên Rừng cho một H.D.S. là
có mục đích giáo dục và để lại cho H.Đ.S. đó một kỷ niệm trong đời sống Hướng Đạo.
RÙA VÔ TƯ
Gấu Tận Tụy sưu tầm
Thái Thuần đánh máy.
Ghi chú: Theo Gấu Tận Tụy thì tên của Rùa Vô Tư là Bùi Văn Giải
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét