Là một trong những sắc thái đặc biệt của phong trào HĐVN, Kha đoàn Hướng đạo Bạch Đằng nhận thấy phần truyền thống của phong trào Hướng đạo Việt nam chúng ta không thể thiếu "Tên Rừng", và hân hạnh được đưa lên trên hệ thống Internet qua Bạch Đằng Home Page để bạn đọc nghiên cứu thêm.
Xuất phát từ những ý nghĩ của Huân tước Baden Powell, vị thủ lãnh của phong trào Hướng đạo Thế giới, qua các tập tục của dân da đỏ ở Mỹ châu, Ngài đã nhận thấy được những điều hay, và thích thú của của các sắc thái dân da đỏ trong các nghi lễ đặt tên "rừng", Baden Powell liền áp dụng trong phong trào hướng đạo của mình bằng một "trò chơi" mà không phải "copy" hoàn toàn tập tục đó.
Trở lại thời kỳ xa xưa của các bộ lạc, việc đặt tên rừng của người da đỏ ở mỗi nơi mỗi khác. Có những bộ lạc mà người tù trưởng đưa ra những thử thách rất cam go, và có thể hy sinh đến cả tính mạng nữa! Nhưng có những bộ lạc thì lại quá ư là mang nặng tính chất "dị đoan", "tà giáo"... rồi đen con người ra làm vật tế thần! Một vài đơn vị HĐVN xưa kia cũng vẫn thích chơi những trò chơi "lạ", "độc đáo", "kinh hồn"... dựa theo những bộ lạc đó, đưa các đoàn sinh của mình ra để "thử lửa", "phóng phi tiêu"... hoặc bắt làm những việc thật quái dị và nguy hiển vô cùng! Trò chơi kiểu đó, dĩ nhiên biến thành những tai nạn khó mà có thể lường được! Người thì bị gãy tay, gãy chân, người thì bị phỏng, bị cảm cúm, đau bụng..v..v.. đó là những trò chơi tinh nghịch, không an toàn và thiếu sự hướng dẫn chu đáo, thiếu kiểm soát và sai lệch về sự "bí mật" của trò chơi đặt "tên rừng".
Trò chơi hướng đạo là một trò chơi mang tính cách giáo dục, và không thể biến nó thành một trò chơi nguy hiểm như vậy. Nói chung, tất cả những bộ lạc đều có một mục đích chính là tạo những thử thách để đo lường tính can đảm, không ngoan, nhanh nhẹn tháo vát của mọi thành viên của họ. Trò chơi lấy tên rừng của Hướng đạo cũng dựa vào mục đích chính yếu đó. Những thử thách vượt qua là những yếu tố căn bản để xác định cá tính của một đoàn sinh, chứ không phải để đem ra "thí nghiệm", hoặc "nhử mồi", "cúng hiến"... hay để "đì" một đoàn sinh cứ ở mãi chương trình Hướng đạo hạng bét!
Nếu bạn muốn có được một tên rừng, xin mời bạn tự nguyện tham gia vào một cuộc chơi đầy thử thách và ngoạn mục của rừng. Xin hãy nộp đơn báo cho đơn vị mình rõ mỗi lần đi cắm trại, hoặc các khóa huấn luyện đặc biệt. Bạn sẽ bắt đầu một cuộc chơi mới nhiều hứng thú! Chắc chắn bạn sẽ không thỏa mãn với những "bí mật" của rừng! Đừng quên, vui đời Hướng đạo không thể thiếu sót cuộc chơi nầy.
Nói rằng, rừng có nhiều "bí mật" thì không thể tả hết đuoc, sự "bí mật" của rừng được áp dụng tùy theo hoàn cảnh và điều kiện, địa phương. Nhưng, nguyên tắc chính vẫn là một trò chơi để làm cho mỗi cá nhân chúng ta có thể phát triển được những cá tính độc đáo của mình. Vì là một phương pháp giáo dục hữu hiệu, nên chi tiết trò chơi hoàn toàn được giữ kín, tuyệt đối không phổ biến và người chơi phải cam kết giữ bí mật.
Thông thường thì ở các đơn vị HĐVN có Hội Đồng Rừng để duyệt đơn xin tên rừng của đoàn sinh. Hội Đồng Rừng nhóm họp ít nhất là ba thú đã nhập rừng. Đứng đầu HĐR có Chúa Sơn Lâm, là người có thâm niên rừng cao nhất, nghĩa là đã nhập rừng từ lâu và có uy quyền nhất. Sau đó có các thú dẫn đường, là những thú có nhiều kinh nghiệm, thông thạo, rành rẽ đường đi nước bước, tháo vát, nhanh nhẹn và giúp việc đắc lực cho Chúa Sơn Lâm. Hội Đồng Rừng sau khi đã nghiên cứu và am tường về những thú muốn xin nhập rừng, nhóm họp sau đêm lửa trại, nửa đêm chẳng hạn, và địa điểm thường được giữ kín đáo.
Trò chơi được lên kế hoạch tỉ mỉ, và nhiệm vụ được phân chia rõ ràng. Thế là HĐR đã chuẩn bị cho một cuộc chơi thật hấp dẫn! Nên nhớ rằng, mục đích chính của trò chơi là luôn luôn, vẫn giữ đúng nguyên tắc của nó. Trò chơi được qui định với nhiều thử thách, thường thì rất táo bạo và ngoạn mục! Bất chợt đầy thích thú! Hội Đồng Rừng mang trò chơi đến cốt để sao người mang tên rừng bộc lộ được những khả năng và cá tính của họ. Tùy theo đặc tính nổi bật của mỗi cá nhân, tên rừng có phù hợp hay không ở chỗ thể hiện cá tính đó, phản ảnh được tính tình hiện có của đương sự. Hội Đồng Rừng sẽ quyết định tên rừng sau khi đã quan sát kỹ lưỡng. Đối với một Hướng đạo sinh biểu hiện được tính can đảm, xông xáo đương đầu với mọi khó khăn, nguy hiểm... thì HĐR sẽ gắn cho một cái tên là "Hải Ly Gan Dạ" chẳng hạn! Hay một HĐS khác làm việc gương mẫu, chăm chỉ, không lười biếng, cần cù, quên cả ăn cả ngũ... thì được gọi là "Gấu Siêng Năng", "Beo Chăm Chỉ", "Sói Chuyên Cần"..v..v.. có rất nhiều tên để gọi. Tưởng cũng nên biết, tên rừng rất là phong phú và sống động, muôn màu muôn vẽ, nên rừng Việt nam đã được vun đắp lên với những cái tên rất ư là "chiến", và trở thành một truyền thống, một di sản quí báu của phong trào Hướng đạo Việt nam ngày nay. Tuy vậy, có một vài trường hợp chúng ta nên tránh, đừng cố tình gắn chết một cái tên nghe chẳng "rừng rú" tí nào cả! Thí dụ như: Bò Ngu, Cọp Xám Phiêu Lưu, Heo Mập Địch, Se Sẽ Lắm Mồm, Ngựa Giang Hồ, Trâu Kinh Điên..v..v.. tất cả đều là những cái tên không phải ở trong phong trào HĐVN. Một số HĐS quen thói chọc ghẹo, đùa giỡn quá lố, nên cũng đã có một vài người bị gắn chết với những cái tên "ác ôn" đó mà tưởng đây là những tên rừng thứ thiệt! Đây không phải là những tên rừng chính thống, không phải do HĐVN khai sinh từ những trại trường Tùng Nguyên, Bạch Mã, Hợp Lực, Thẳng Tiến... hoặc các trại huấn luyện khác. Thêm vào đó, cũng có những HĐS nghĩ sai lệch, tưởng rằng có tên rừng có nghĩa là có "Bằng Rừng", "Huy Hiệu Rừng", điều này hoàn toàn sai.
Khi được HĐR chấp thuận, những người được mang tên rừng cảm thấy hãnh diện vì nó phù hợp với bản chất của mình, và xem đây là một cái tên "cúng cơm" thứ hai của mình vậy! Có những trưởng kỳ cựu trong phong trào HĐVN hiện nay, trên dưới 40, 50, năm hoạt động, dù còn ở quê nhà hay đang ở hải ngoại, vẫn còn thích thú xử dụng tên rừng của mình! Những quen thuộc chẳng hạn như Sếu Siêng Năng Trần Văn Khắc... dù đã tuổi ở trên 90. Bò Lém Trần Văn Lược, Sói Trầm Lặng Mai Ngọc Liệu... đã trên 70. Sói Cười Đinh Xuân Phức, Ngựa Chịu Khó Nguyễn Trung Thoại... đã trên 60... Tất cả họ vẫn còn mãi mãi yêu đời Hướng đạo.
Tên rừng cũng được gọi một cách thân mật trong các cuộc gặp gỡ tại các kỳ trại họp bạn, sinh hoạt hội họp. Không những trên các diễn đàn tư tưởng, báo chí, và văn nghệ... mà còn là một điều thích thú khi ký tên vào sổ lưu niệm, khăn quàng của các HĐS. Những đường nét lã lướt, uốn éo, cong cong, nghệch ngoạc... chỉ vài nét là có thể xuất hiện ngay hình dáng của những con thú rừng với những manh vuốt bén nhọn, răng gầm gừ, mắt tinh lanh... Đúng là những "dân rừng" thứ thiệt, chính cống! các HĐS Việt nam xưa nay vẫn ưa chuộng những chữ ký đó, một trong những ưa thích không thua kém gì các lần trao đổi, tháo gỡ huy hiệu, khăn quàng lẫn nhau trong các kỳ trại họp bạn! Ai mà chẳng khoái chí khi chăm chú nhìn vào những chữ ký tên rừng trong cuốn sổ tay của mỗi HĐS. Thật là hấp dẫn! lại có những thiếu sinh, hay lớn hơn một chút là kha sinh chúng ta, thì lại chuyên môn sưu tầm dầy đặc những chữ ký tên rừng của các Trưởng, các HĐS bạn từ đạo Thừa Thiên cho đến đạo Vàm Cỏ, từ trại họp bạn toàn Châu cho đến trại họp bạn toàn quốc... không một lần đi trại nào mà không quên xin chữ ký! Đây là một tập tục tốt đẹp trong truyền thống Hướng đạo Việt nam chúng ta đáng được duy trì và gìn giữ.
Sau cuộc thử thách, HĐR sẽ quyết định chọn tên rừng cho những thú mới, thường thì được tổ chức sau đêm bế mạc lửa trại, lúc này có lẽ các trại sinh đã bắt đầu đi ngũ. Chỉ có HĐR mời họp, các thú dẫn đường và thú rừng mới mà thôi, ngoài ra không một ai đến dự, nghĩa là những người không có tên rừng. Thú rừng mới sẽ đặt tay trước đống lửa, hứa sẽ giữ tất cả "bí mật" của rừng trước Chúa Sơn Lâm và HĐR. Thế là cái tên rừng sẽ được công bố, danh sách sẽ được gởi đến chủ tịch HĐR của đoàn.
Thế đấy, tên rừng trong truyền thống Hướng đạo Việt nam ngày nay vẫn tiếp tục đón nhận những thú rừng mới, Chúa Sơn Lâm và Hội Đồng Rừng sẽ luôn luôn mở rộng cánh rừng bao la của mình để tô điểm thêm những trang sử sáng ngời của phong trào Hướng đạo Việt nam. Nên nhớ, những "bí mật" của rừng là trò chơi giữa mỗi cá nhân đều hoàn toàn phài giữ bí mật. Những "bí mật" này chính là những kỷ niệm Hướng đạo khó quên trong đời của bạn.
(Tài liệu HĐTƯ)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét